Bận rộn là thước đo của thành công?!?
Nếu như bận rộn = thành công thì mình cá rằng thế giới này đã có vô vàn tỷ phú như Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla.
Người thành công có thể thường xuyên bận rộn, nhưng có phải cứ bận rộn, làm việc không ngừng nghĩa là bạn đang thành công?
Bạn nghĩ sao về điều này? Nếu bạn cũng đang luôn cảm thấy bận rộn mỗi ngày thì mình muốn hỏi bạn có thấy bản thân đã thành công không? Nếu câu trả lời của bạn là không thì bản tin ngày hôm nay dành cho bạn. Trong bản tin hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn lý do giải thích cho lầm tưởng “Bận rộn là thước đo thành công” và cách khắc phục nó.
Nguyên nhân dẫn đến lầm tưởng này
Trước tiên hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao rất nhiều người lầm tưởng “bận rộn là thước đo của thành công”. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như là: ảnh hưởng của truyền thông, văn hóa và xã hội, định kiến cá nhân. Hãy cùng tìm hiểu sâu thêm về các nguyên nhân nói trên.
Truyền thông: Hình ảnh của những người thành công được xây dựng trên quảng cáo và phương tiện truyền thông thường gắn liền với trạng thái bận rộn làm việc đến tối khuya, luôn bao quanh bởi những deadline chồng chất hoặc không có thời gian rảnh rỗi, thường bỏ lỡ những buổi họp mặt gia đình/sự kiện của con cái… Những hình ảnh này tạo ra một mối liên hệ vô hình giữa bận rộn và thành công trong tâm trí của nhiều người, khiến cho họ tin rằng chỉ khi họ cũng bận rộn như vậy họ mới có thể đạt được thành công.
Văn hóa và xã hội: Tại một số quốc gia, văn hóa của nhiều doanh nghiệp chú trọng đến thời gian lao động tại công sở, làm việc quá giờ, nhân viên không được về sớm hơn sếp… Điều này vô hình chung biến sự bận rộn trở thành một yếu tố quan trọng chứng tỏ sự hi sinh của cá nhân cho doanh nghiệp hay công việc. Thêm vào đó áp lực đồng trang lứa, hoặc từ người ngoài (đôi khi từ chính bản thân mẹ) khiến sự nghiệp được coi trọng. Thành công có nghĩa là sự nghiệp liên tục đi lên và phát triển. Việc có thứ bậc trong xã hội là thước đo cho sự thành công của một người. Việc này kéo theo hệ lụy, khi những bà mẹ khác nhìn vào lại có xu hướng so sánh mình với những bà mẹ này và cho rằng chỉ khi họ bận rộn, họ mới có thể coi mình là thành công như những bà mẹ này.
Quan điểm cá nhân: Một số bà mẹ có thể tin rằng sự thành công chỉ đạt được thông qua việc làm việc không ngừng nghỉ. Ví như nếu họ không trở nên bận rộn và/hoặc đánh đổi thời gian và nỗ lực cho công việc thì họ sẽ không thể đạt được những mục tiêu và các nấc thang trong cuộc sống và sự nghiệp.
Những hệ lụy kèm theo
Việc trở nên bận rộn và làm việc không ngừng nghỉ hoặc thiếu thời gian nghỉ ngơi có thể dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà cả nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Một số hệ lụy mẹ có thể gặp bao gồm:
Stress và căng thẳng: Áp lực và khối lượng công việc quá lớn khiến mẹ dễ cảm thấy căng thẳng và stress. Sức khỏe tinh thần cũng vì thế mà bị ảnh hưởng theo, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới rối loạn lo âu, trầm cảm.
Sức khỏe thể chất giảm sút: nguyên nhân không chỉ bao gồm việc làm việc quá sức, thiếu thời gian nghỉ ngơi mà còn do áp lực có thể ảnh hưởng và gây bệnh về tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng ruột kích thích…
Hiệu suất làm việc giảm: Mặc dù có thể nhiều công việc được hoàn thành hơn, nhưng về lâu dài việc liên tục bận rộn và không có thời gian nghỉ ngơi dẫn đến giảm sự tập trung, ảnh hưởng đến khả năng tư duy sáng tạo, ra quyết định, và thực hiện công việc hiệu quả.
Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Tập trung quá nhiều vào công việc có thể gây mất cân bằng trong cuộc sống. Dễ thấy nhất là việc cần cắt xén thời gian cho các gia đình, các mối quan hệ khác như bạn bè, sức khỏe và những hoạt động giải trí đồng thời cũng có thể bỏ qua. Điều này về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cũng như chất lượng các mối quan hệ.
Ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hê: nguyên nhân là do sự giới hạn thời gian cho những khoảnh khắc quan trọng, đôi khi có thể trong cả việc xây dựng và duy trì mối quan hệ bao gồm bạn bè, và đặc biệt gia đình, những người thân yêu. Hệ lụy có thể dẫn đến sự xa cách và/hoặc cô độc dẫn đến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng theo.
Làm thế nào để khắc phục lầm tưởng trên
Cách đầu tiên và đơn giản nhất (nhưng cũng cần nhiều thời gian để thực hành) chính là việc thay đổi định nghĩa của thành công. Liệu bạn có thể thành công mà vẫn có thời gian rảnh, có năng lượng cho những việc khác như các dự án cá nhân chẳng hạn? Hay nói cách khác chính là thay đổi sang tư duy mới “bận rộn không đồng nghĩa với thành công”. Đâu là những giá trị quan trọng mà bạn hướng tới khi nhắc tới sự thành công của một người? Liệu bận rộn có phải là một giá trị “buộc phải có” khi bạn thành công? Hãy thử xem xét các khía cạnh khác trong cuộc sống như sức khỏe tổng thể, các mối quan hệ hay việc phát triển bản thân… và tự tạo nên một định nghĩa thành công cá nhân mới.
Bên cạnh đó việc học cách ưu tiên và sử dụng thời gian hiệu quả hơn, tận dụng hết những nguồn lực hiện có và tạo thêm nguồn lực mới cũng là những gợi ý bạn không nên bỏ qua. Điều này không chỉ giúp bạn có thêm thời gian để nghỉ ngơi mà còn giúp bạn sắp xếp hài hòa công việc - cuộc sống hơn. Từ đó, bạn cũng có thể gắn kết với gia đình, bạn bè cũng như học hỏi được kinh nghiệm từ nhiều bà mẹ hơn. Sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn cũng sẽ được cải thiện theo.
Đây là 2 gợi ý “nhỏ nhưng có võ” mà chính Liên cũng đã thực hành và hướng dẫn nhiều bà mẹ trong các hoạt động của Confident Mom. Mẹ có thể áp dụng ngay hôm nay và chia sẻ kết quả với Liên thông qua email hoặc trong phần bình luận của bản tin ngày hôm nay nhé.