Bạn có đang thật sự bận rộn đến vậy?
“Dạo này tao bận lắm, hôm nào gặp nhau sau nhé”
Bạn có thấy câu nói trên quen thuộc không? Hay chính bạn có đang thường xuyên sử dụng câu trả lời tương tự khi vô tình bắt gặp một người quen trên đường hoặc bạn bè lâu ngày không gặp?
Đây là một câu trả lời phổ biến mà mình thường được hồi đáp cho câu hỏi “Dạo này cuộc sống của bạn ra sao?” hoặc cho những cuộc gặp gỡ chơp nhoáng khi vô tình lướt qua nhau đâu đó ngoài kia, nhưng rồi cái “hôm nào” kéo dài đến mấy tháng, mấy năm sau hoặc có khi vô tận.
Bận rộn ngày nay với nhiều người nó giống như một thói quen gây nghiện, một lời bào chữa dễ chấp nhận hoặc một thước đo chứng tỏ sự đóng góp của họ trong công việc/cuộc sống. Nhưng thực tế thì bạn có đang bận rộn đến như vậy? Hay bạn chỉ đang sử dụng từ “bận” như một thói quen. Trong bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ 4 lầm tưởng nhiều người thường mắc phải khi sử dụng từ “bận rộn” để mô tả về cuộc sống của mình.
Lầm tưởng 1: Bận rộn là dấu hiệu của sự thành công
Cũng chính vì lầm tưởng này mà rất nhiều bà mẹ lấy sự “bận rộn”, thiếu thời gian của mình làm chủ đề cho không ít những cuộc bàn bạc, tám chuyện giữa các bà mẹ. Thậm chí, nhiều bà mẹ còn so sánh xem ai bận hơn hoặc cố gắng mô tả cuộc sống bận rộn của mình như một minh chứng cho sự nghiệp đang phát triển của họ. “Bận rộn” vô hình chung trở thành một chiếc vương miệng chứng tỏ cho sự thành công của họ trong cuộc sống, cho giá trị của họ trong công việc.
Nếu bạn đã từng có suy nghĩ này thì mình muốn lưu ý thêm rằng BẬN khác với làm việc hiệu quả hoặc hiệu suất làm việc được nhé. Bạn không thể lấy thời gian làm việc ra để đo với hiệu suất công việc, đồng nghĩa với việc không phải làm nhiều giờ hơn chứng tỏ bạn làm được nhiều việc hơn. Thú thực với mình đi, bạn có muốn trở thành một người mẹ thành công, luôn bận rộn và không có thời gian nghỉ ngơi, chẳng dám đi du lịch cùng gia đình hay không?
Bạn có thể đọc thêm bản tin tuần trước để tìm hiểu thêm về nguyên nhân và cách khắc phục lầm tưởng này.
Lầm tưởng 2: Bận rộn là lý do từ chối/lời bào chữa hợp lý
Bạn có khi nào lấy lý do BẬN để trả lời cho những tình huống như là:
Từ chối tham dự một cuộc gặp mặt vì lý do bận chăm con (trong khi thực chất vì bạn mệt và lười đi xa).
Giải thích cho lý do đến muộn vì bạn bận làm việc abc xyz (trong khi thực chất do bạn không tính toán chính xác được thời gian di chuyển hoặc ngủ quên).
Đổ thừa do mình đang có quá nhiều việc cần hoàn thành khiến mình trở nên bận rộn, không có thời gian (trong khi thực chất do chưa biết cách sắp xếp thời gian hợp lý hoặc mải cày film quên deadline :D)
Thú thực với bản thân mình đi, có khi nào bạn dùng từ “bận” trong những tình huống tương tự như trên. Bản thân mình cũng có lúc đã từng như vậy. Với mình lúc đó Bận giống như một chiếc bia đỡ đạn cho bản thân vì đây thường được cho là một lý do sẽ khiến người đối diện dễ “chấp nhận”. Riết rồi quen, nhiều người còn sử dụng từ này như một lời bào chữa, lấp liếm cho những sự lười biếng, lỗi sai hoặc đôi khi vì không muốn giải thích thêm nên trả lời cho xong chuyện. Lâu dần, nó trở thành một từ dễ dãi trong việc sử dụng khiến nó trở thành câu cửa miệng của nhiều mẹ lúc nào không hay.
Lầm tưởng 3: Bận rộn là trạng thái bình thường của tất cả các bà mẹ
Đây có lẽ là lầm tưởng phổ biến nhất của nhiều người, đặc biệt là các bà mẹ đang làm việc (working mom). Thay vì chỉ là nhân viên làm việc giờ hành chính 8h mỗi ngày, họ còn gánh thêm những công việc có tên và không tên dưới vai trò của một người mẹ, người vợ trong gia đình. Nên hình ảnh một bà mẹ tất bật ngược xuôi để hoàn thành công việc mỗi ngày trở thành một hình mẫu quen thuộc không chỉ trên phim ảnh mà ngay ở nhiều gia đình.
Cũng là một người mẹ, mình đồng ý rằng việc mang thêm thiên chức mới khiến quỹ thời gian của mẹ trở nên eo hẹp hơn. Nhưng đó chỉ là trong một vài giai đoạn hoặc thời điểm nào đó của cuộc sống, ví dụ khi con còn nhỏ chưa tự chăm sóc được bản thân, khi mẹ có các dự án lớn trong công việc… Thông thường mẹ sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn để làm việc với lịch trình có thể dày đặc hơn bình thường. Thật ra đó là một số giai đoạn nhất định chứ không phải là toàn bộ cuộc sống hàng ngày của mẹ. Thực chất việc bận rộn, không có thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn là do sự lựa chọn của mẹ. Thử ngẫm nghĩ và ngắm nhìn xung quanh xem liệu có phải bà mẹ nào cũng luôn bận rộn tất bận sớm khuya. Hay đâu đó ngoài kia vẫn có những người đang có thể làm việc 4h/tuần, luôn có vài ba chuyến du lịch trong năm cùng gia đình… Nếu họ làm được điều đó thì tại sao mẹ lại không?
Lầm tưởng 4: Bận rộn chứng tỏ bản thân có giá trị
Một số bà mẹ có lầm tưởng rằng giá trị bản thân họ được đo bằng mức độ bận rộn mỗi ngày. Hiểu đơn giản là nhiều bà mẹ tin rằng chỉ khi họ làm việc không ngừng thì họ mới được công nhận như tăng lương khen ngợi. Đồng thời khi họ cảm thấy mình có thể đem lại giá trị cho công ty thì họ mới thấy họ có “giá”. Điều này có thể dẫn đến việc họ liên tục đặt công việc lên hàng đầu và bỏ qua những nhu cầu khác như gia đình hay chăm sóc bản thân.
Không chỉ có vậy, áp lực đồng trang lứa hoặc từ gia đình, xã hội khiến cho các bà mẹ muốn được thể hiện khả năng của bản thân, e ngại mình thua kém bạn bè hoặc lo sợ bị so sánh với “vợ/con nhà người ta”. Đôi khi họ phải tỏ ra mình bận rộn để cảm thấy mình không bị tụt hậu hoặc tránh những lời rèm pha của gia đình, bạn bè. Cũng vì áp lực này mà mình đã gặp những bà mẹ không dám chia sẻ với người thân về việc họ đã nghỉ việc fulltime và đang làm tự do, hoặc họ phải cố tỏ ra bận rộn trước mặt người khác để đáp ứng các tiêu chuẩn và kỳ vọng xã hội. Bởi đối với nhiều bậc cha mẹ thuộc thế hệ trước, đôi khi việc đến công sở mỗi ngày lại là thành công so với việc làm việc tại nhà hoặc các công việc tự do.
Thay lời kết, “Bận” thực tế không phải là một điều xấu và cũng không có lỗi gì nếu bạn sử dụng. Trong rất nhiều trường hợp đây là một từ phù hợp để miêu tả trạng thái của chúng ta. Lỗi chỉ xảy ra khi bạn đang mắc phải những lầm tưởng ở trên. Bài học của mình là mỗi khi thấy bản thân mình đang sử dụng “bận rộn” để mô tả về cuộc sống hiện tại, đồng thời cũng là lúc mình cần xem lại cách sắp xếp thời gian, bố trí công việc của bản thân. Thử ngẫm nghĩ và chia sẻ với mình liệu bạn có đang gặp phải lầm tưởng nào ở trên không nhé?